MỘT BUỔI TRẢI NGHIỆM Ý NGHĨA

Sáng ngày 8/1/2024, các bạn học sinh lớp 6B,6D,6E trường THCS Lê Quý Đôn đã có một buổi học tập trải nghiệm các hoạt động thú vị tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai. Bảo tàng tỉnh Lào Cai là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Lào Cai. Bảo tàng không chỉ cung cấp những thông tin về lịch sử hào hùng của tỉnh Lào Cai mà còn là điểm đến hấp dẫn đầy ý nghĩa văn hoá trong lòng mỗi bạn học sinh.

Sau khoảng 15 phút di chuyển bằng xe từ trường học, mang theo tâm trạng háo hức, 105 bạn học sinh đã đặt chân tới Bảo tàng tỉnh Lào Cai. Tại đây, chúng em đã được nghe giới thiệu về món ăn đặc sản của Lào Cai – xôi ngũ sắc cùng cách làm món ăn này. Những ai từng có cơ hội được thưởng thức xôi ngũ sắc Tây Bắc sẽ không thể quên được mùi thơm đặc biệt của các loại lá cây tạo màu cho xôi, hạt nếp dẻo ngậy, hương hấp dẫn. Đặc sản xôi ngũ sắc không chỉ ngon mà rất đẹp và mang rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Chúng em được chia thành 10 nhóm để làm xôi. Gạo đã được ngâm trong nước sạch từ trước để giúp xôi được dẻo, có hương vị thơm ngon. Công việc đầu tiên là làm màu để nhuộm màu cho gạo. Các loại quả, củ, lá cây được giã, vắt riêng để lấy nước màu trộn vào gạo nếp, chính điều này làm nên sự khác biệt của xôi ngũ sắc với các loại xôi khác. Đây cũng là lần đầu tiên chúng em được trải nghiệm làm xôi nên rất hứng thú với công việc mà mình được giao phụ trách. Sau khi nhuộm màu cho gạo thì công đoạn cuối cùng là đồ xôi. Những bếp lửa được nhóm lên, chúng em cho gạo vào chõ bằng gỗ mà các nghệ nhân chuyên dùng để đồ xôi.

 Sau đó, chúng em được các cô hướng dẫn viên của Bảo tàng dẫn đi tham quan, giới thiệu những tư liệu, hiện vật đã được phát hiện trên địa bàn Tỉnh. Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ, bảo quản, trưng bày hơn 20 nghìn hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và khoa học. Đặc biệt, có một số hiện vật quý, độc bản đã trình hồ sơ công nhận là bảo vật quốc gia, có hàng nghìn hiện vật gắn liền với quá trình phát triển của tỉnh từ sau khi tái lập.  Để có được những tư liệu, hiện vật quý giá, những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm đã mất khá nhiều công sức, thời gian. Những hiện vật có niên đại hàng nghìn năm, những tri thức bản địa đã tồn tại và song hành cùng dân tộc, những công cụ trong sinh hoạt và lao động đã trở thành nét văn hóa. Tất cả những tư liệu, hiện vật ấy là sự đúc kết trong quá trình hình thành và phát triển của thiên nhiên, con người và vạn vật trên đất Lào Cai đang được trưng bày, giới thiệu tại Bảo Tàng tỉnh. Thông qua những hiện vật đó, chúng em có thể hình dung rõ hơn về đời sống vật chất, tinh thần, nét văn hoá tiêu biểu của cư dân cổ trên mảnh đất Lào Cai – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Một hoạt động không kém phần thú vị  được chúng em rất mong chờ  là hoạt động nặn tò he. Tò he là đồ chơi dân gian thuần chất thôn quê đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân đất Việt. Bàn tay khéo léo và tâm huyết của người nặn đã “biến” thứ bột vô tri thành những sản phẩm đầy sáng tạo, đa sắc màu với đủ hình thù ngộ nghĩnh.

Các bạn học sinh đều chăm chú để nặn sao cho tò he của mình thật đẹp.     Nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ không khó khăn gì để nặn được tò he, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Nặn tò he như một môn nghệ thuật, đòi hỏi người làm phải khéo léo cùng với trí tưởng tượng phong phú. Bột nặn tò he khá dính nên rất dễ gây ra hỏng sản phẩm, đòi hỏi sự tỉ mỉ từng chút một. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các cô hướng dẫn viên Bảo tàng, mỗi bạn đều có cho mình một chú tò he đầy sắc màu.

Buổi trải nghiệm đã mang tới cho chúng em rất nhiều kiến thức mới cùng biết bao cảm xúc. Chúng em thêm hiểu về lịch sử của mảnh đất quê hương, biết thêm về nghề truyền thống đồng thời biết trân trọng các giá trị văn hóa của dân tộc. Chúng em mong sẽ có thêm nhiều buổi học tập bổ ích và lí thú như thế nữa!

                                                    Người viết: Cao Ngọc Khánh – Lớp 6D          

Sau đây là một số hình ảnh về buổi trải nghiệm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *